Ngành du lịch, khách sạn sau đại dịch sẽ như thế nào?
Ngành khách sạn, chưa bao giờ lỗi mốt
Kể từ khi khách sạn đầu tiên trên thế giới ra đời vào năm 1794 ở Mỹ với tên gọi New York City với quy mô 73 phòng, ngành khách sạn đã trải qua rất nhiều đợt khủng hoảng bao gồm dịch cúm Tây Ban Nha lây nhiễm cho 1/3 dân số toàn cầu, và các cuộc chiến tranh thế giới. Nhưng ngành kinh doanh khách sạn vẫn phát triển mạnh mẽ và du lịch đã trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu của thế giới ngày nay.

Hình 1: New York City Hotel quy mô 5 tầng, 73 phòng nghỉ.
Trong một thế giới luôn phát triển và các nhu cầu giải trí của người dân ngày càng cao, việc đi du lịch để trải nghiệm, khám phá văn hóa địa phương đã trở thành thói quen của loài người hiện đại. Trải nghiệm di du lịch là một trong những thứ được coi là không thể thay thế bằng công nghệ trong những thập niên tới, con người vẫn cần đi đến tận nơi để trải nghiệm văn hóa địa phương, hít thở bầu không khí trong lành tại miền biển, hoặc đơn giản là tránh những ngày đông giá lạnh. Không có gì tuyệt vời và tiện lợi hơn dành vài tiếng đồng hồ trên máy bay, và khi bước xuống sân bay, sẽ là một bầu trời ngày nắng và không khí biển thay vì nhiệt độ dưới 0 độ C tại những nơi có mùa đông giá lạnh.
Khách du lịch từ đâu tới, và vì sao họ tới?
Những năm gần đây, Đông Nam Á nổi lên trên bản đồ du lịch thế giới với những bãi biển nắng ấm quanh năm và giá cả hợp lý. Năm 2018, khu vực Đông Nam Á dẫn đầu khu vực châu Á và Thái Bình Dương về tăng trưởng khách quốc tế đến với 7,9%, sau khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á đứng ở vị trí thứ hai về tăng trưởng khách quốc tế với 6,1%, Nam Á 5,2% và châu Đại Dương là 2,8%. Nhiều khu vực tại các nước Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước Châu Âu, mùa đông thường lạnh dưới 0 độ C và kéo dài, người dân tại các khu vực này có nhu cầu ngày càng cao đi nghỉ đông tại những bãi biển với khí hậu ấm áp như khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia. Xu hướng nghỉ dưỡng tại những vùng biển nhiệt đới luôn tăng cao hàng năm tùy theo điều kiện hạ tầng phục vụ du lịch tại điểm đến. Bởi vậy, du lịch Đông Nam Á luôn phá vỡ các kỷ lục về lượng du khách hàng năm trong những năm trước đại dịch Covid. Trong đó, năm 2019, Việt Nam vươn lên là quốc gia có lượng khách du lịch lớn thứ 4 tại Đông Nam Á, vượt qua Indonesia, đạt 18 triệu luợt khách quốc tế, tăng trưởng 16,2% so với năm 2018, mức tăng cao hơn đáng kể so với 3 nước có lượng khách dẫn đầu trong khu vực: Thái Lan (39 triệu, tăng 3,9%), Singapore (19,1 triệu, tăng 1,9%), Malaysia (26,1 triệu, tăng 3,7%). Các thị trường tiềm năng nhất với du lịch Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga. Đây đều là những thị trường có nhu cầu cao với du lịch biển, do vị trí địa lý đều nằm ở phía bắc có mùa đông lạnh và kéo dài.

Hình 2: Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga đều không có bãi biển phía nam ấm áp vào mùa đông.
Trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc có lượng khách đến Việt Nam năm 2019 đạt top 1 và 2 với 5,8 triệu và 4,3 triệu lượt khách, thì lượng khách Nga đến Việt Nam 2019 chỉ đặt 646 nghìn lượt. Tuy nhiên, du khách Nga có thời gian lưu trú trung bình 14-16 ngày, gấp đôi thời gian lưu trú trung bình tại Việt Nam của du khách quốc tế, và có mức chi tiêu trung bình 1.600 đô la Mỹ trong cả chuyến đi, gấp đôi mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế.
Mặc dù vậy, trong khi số khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài tăng từ 10,5 triệu lượt (năm 2000) lên 150 triệu lượt (năm 2018), tăng trưởng bình quân đạt 16%/năm, Việt Nam mới chỉ đón được 3,5% lượng du khách tới từ Trung Quốc (5,8/166 triệu lượt khách), một nguồn khách lớn nhất thế giới và ở sát bên Việt Nam; và 1,35% lượng du khách Nga (646 nghìn/48 triệu lượt khách). Điều này nói lên sự thiếu thốn về tính cạnh tranh và dư địa lớn để thu hút khách quốc tế trong thời gian tới.
Nhu cầu du lịch sau đại dịch.
Vẫn luôn có 2 luồng ý kiến trái chiều về xu hướng du lịch sau đại dịch Covid-19, một số ý kiến cho rằng thói quen du lịch có thể thay đổi và ngành du lịch sẽ phục hồi rất lâu sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Và nhiều hơn là những ý kiến về sự bùng nộ du lịch sau thời gian cách ly kéo dài và đâu sẽ là những địa phương dẫn đầu đón làn song du lịch thời kỳ mới. Hiện nay, đã có những con số thống kê tại 1 số thị trường du lịch mở cửa đầu tiên sau đại dịch Covid-19.
Sau khi mở cửa du lịch vào tháng 7/2020, đã có hơn 124.600 khách Nga tới Maldives trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng 190% so với năm 2019. Lượng du khách Nga tăng đột biến giúp Maldives bù đắp thiếu hụt khách du lịch Trung Quốc (738 khách Trung Quốc tới đây, giảm 97% so với 33.889 năm 2020). Maldives kỳ vọng sẽ đón 1,5 triệu lượt khách vào cuối năm 2021, gần với mức kỷ lục 1,7 triệu vào năm 2019. Trong khi đó, nhiều nước Châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha mặc dù đã mở cửa du lịch nhưng còn nhiều hạn chế về cách ly và yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin, nên luợng khách tới những thị trường này hiện chỉ bằng 40% so với năm 2019, thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Hiện nay vẫn chưa có nhiều con số thống kê về tình hình phát triển du lịch để đánh giá xu hướng trong thời kỳ mới, nhưng đã có những cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia Đông Nam Á về thời điểm mở cửa đón khách sau đại dịch, có thể kể đến Phuket, Thái Lan hay Phú Quốc, Việt Nam, dự kiến mở cửa thử nghiệm đón khách từ tháng 10/2021. Những địa phương mở cửa sớm sẽ có nhiều lợi thế về việc thu hút khách hàng cũng như lao động trước những địa phương còn lại.
Ngành du lịch, khách sạn sau đại dịch sẽ như thế nào?
Từ lịch sử và sự phát triển hiện nay của hệ thống giao thông, có thể khẳng định ngành du lịch, khách sạn sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết sau đại dịch Covid-19. Nhưng sau đại dịch Covid, xu hướng trải nghiệm và nhu cầu của khách du lịch được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ có những thay đổi lớn, chúng ta hãy cùng chờ xem nhé.